Kỹ thuật nuôi lợn rừng bằng cây lá dược liệu


Anh Trương Minh Xuân (45 tuổi, ở thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây, H.Hoài Ân, Bình Định) kể: Trước đây anh là nhân viên xét nghiệm ở trạm y tế xã, do muốn thay đổi đời sống kinh tế gia đình nên đã nghỉ việc về nhà làm vườn, nuôi lợn, gà… Những ngày đầu về chăn nuôi khá gian nan, nhất là heo rừng giống mua thì đắt mà nuôi thì cực. Vợ anh lúc ấy đưa anh mấy triệu đồng đi mua heo mà hồi hộp, tiền nhà có bao nhiêu đâu, lỡ mất thì coi như cụt vốn làm ăn. Nhưng anh Xuân vẫn quyết “đánh liều” một phen, chấp nhận được ăn cả ngã về không. Anh khởi đầu với một con heo rừng cái. Năm đó, may mắn lứa heo đầu tiên ra đời được 9 con, vợ chồng anh bán 7, để lại 2 con làm giống rồi gầy đàn dần dần.

Nuôi lợn rừng - kythuatcanhtac.com

Hiện tại, sau 11 năm nuôi và mua bán heo rừng, anh Xuân có 65 con heo lớn nhỏ. Anh cho biết: “Nuôi heo rừng phải kỹ hơn cả nuôi heo nhà. Kiểu nuôi thả rông trên đồi tôi cũng đã thử nhưng không thấy hiệu quả lắm. Đó là chưa nói nó đi lang thang bị bắt trộm. Đặc điểm loại heo này khi nuôi trong nhà là hay bị viêm phổi và đường ruột vì nó có nguồn gốc hoang dã. Trong đời sống tự nhiên, chúng sẽ tự biết tìm cây lá thuốc mà ăn, trong khi mình nuôi thì không có. Vậy là tôi xây dựng một chế độ ăn riêng, đặc biệt có cho ăn cây lá dược liệu để chúng khỏe mạnh, ít bệnh vặt”.

Những cây lá dược liệu mà anh Xuân nói đến được trồng trong vườn nhà như: cây chè đại (bổ sung đạm), cây hồng ngọc (tốt cho đường ruột, tiêu hóa), cây khổ sâm (lấy lá chữa bệnh phổi, đường ruột, con người cũng có thể ăn được cây này). Bằng phương pháp nuôi tiến bộ này, bầy heo của anh Xuân ít khi làm khổ người nuôi, cũng ít phải chích thuốc như các hộ nuôi khác.

Ngoài dược liệu, anh Xuân còn thiết kế chuồng lót đệm sinh học giúp heo luôn có chỗ nằm thông thoáng, không bốc mùi phân heo gây ô nhiễm môi trường. Bằng phương pháp nuôi heo rừng này, mỗi năm, gia đình anh Xuân thu được khoảng 100 triệu đồng ở quy mô nhỏ. Cách thức này còn được áp dụng cho đàn heo nhà để tạo thêm thu nhập. Anh cho biết, nếu gầy đàn nhiều hơn sẽ có thêm tiền lời nhưng hai vợ chồng tạm thời ổn định ở đó để đầutư về chất lượng con giống.

Bên cạnh việc nuôi heo rừng, anh Xuân còn gia tăng thu nhập cho gia đình bằng cách nuôi thêm bầy gà, cũng áp dụng đệm lót sinh học. Đệm lót này được rải đều trên nền chuồng bao gồm trấu, mùn cưa và men vi sinh tạo nền sinh học. Chuồng gà với hơn 1.000 con, xuất chuồng 4 tháng một lần. Thức ăn của đàn gà nhà anh Xuân cũng khá khác biệt gồm cám và bắp ủ men sinh học để hỗ trợ tiêu hóa.

Kết quả, mỗi lứa gà xuất chuồng, anh lời từ 25 – 30 triệu đồng. Mỗi năm, thu nhập từ nuôi gà hơn 100 triệu đồng. Ngoài gà, heo rừng, anh Xuân còn trồng thêm 4 ha rừng keo, thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Như vậy, bằng hình thức vườn – ruộng – rừng, gia đình anh Xuân thu lãi ròng mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Với một hộ dân ở vùng quê nghèo thì con số này là rất đáng kể, gia đình anh Xuân nhờ vậy được chứng nhận là nông dân giỏi cấp tỉnh.

 


Related posts



About the author

Tôi là Phan Thúy Vy, người sáng lập và quản trị viên của trang web kythuatcanhtac.com. Tôi là một chuyên gia nông nghiệp với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và kỹ thuật nuôi trồng. Tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ những kiến thức mới nhất về nông nghiệp, giúp đỡ các nông dân và nhà nông tăng sản lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm viết báo và các bài viết chuyên ngành về nông nghiệp, với mong muốn giúp đỡ và chia sẻ kiến thức với cộng đồng.